Áp xe vú là tình trạng trong vú có nang giống túi chứa đầy mủ và bao quanh bởi các mô viêm. Một người bị áp xe vú thường do biến chứng của bệnh viêm vú, tình trạng viêm và nhiễm trùng của các mô vú. Viêm và áp xe vú là do xâm nhập của vi khuẩn vào các mô vú thông qua núm vú, gây ra nhiễm khuẩn các ống dẫn sữa và các tuyến sữa.
Áp xe vú là bệnh lý khá phổ biến, gặp nhiều nhất ở phụ nữ cho con bú vì sữa mẹ có thể gây nứt núm vú tạo điều kiện cho phép vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào vú. Áp xe vú cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ thừa cân, có ngực lớn hoặc người ít vệ sinh cá nhân. Trong trường hợp hiếm gặp, viêm vú và áp xe vú có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, áp xe vú phổ biến nhất là do nhiễm trùng vi khuẩn.
Hình ảnh minh hoạ |
Áp xe vú do tắc sữa chủ yếu như sau: Sữa được tạo ra ở nang sữa theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú; dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên, có những trường hợp, trên dòng chảy vì một lý do nào đó mà lòng ống dẫn hẹp, hoặc bít lại (có thể do chèn ép từ ngoài vào hoặc bít tắc trong lòng ống), sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác và tạo ra các vòng xoắn bệnh lý, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.
Biểu hiện tuyến vú bị tắc nghẽn, sữa ứ đọng cộng thêm điều kiện vệ sinh thiếu sạch sẽ hoặc do trẻ bú làm tổn thương đầu vú. Bệnh tiến triển nhanh kèm theo phát nóng, phát sốt, bầu vú sưng to, sờ nắn thấy có cục kết rắn, sưng, nóng, đỏ, đau và sau có thể mưng mủ. Nguyên nhân do can khí uất kết, vị khí ủng trệ, nhiệt độc tích đọng lại hoặc do cảm nhiễm ngoại tà mà sinh ra. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số cách chữa bệnh đơn giản để bạn đọc tham khảo và áp dụng:
.
Hình ảnh minh hoạ |
Dấu hiệu nào để biết bị áp xe vú
Vùng vú bị áp xe lúc đầu sưng nóng đỏ, cứng và rất đau nhức kèm theo sốt và nổi hạch. Khi đã hoá mủ thì có vùng mềm (nếu mủ không được thoát ra ngoài sẽ đóng kén xung quanh và xơ hoá cứng.
Cách điều trị ra sao
Áp xe vú thường gây ra bởi một nhiễm trùng do vi khuẩn. Bởi vậy, khi bị áp xe vú, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh. Để hỗ trợ điều trị, người bệnh cần nghỉ ngơi, uống tăng nước, bảo đảm dinh dưỡng tốt và sử dụng một khăn ấm áp cho vú và vùng bị viêm. Phụ nữ cho con bú có thể phải ngưng cho con bú bên vú bị ảnh hưởng cho đến khi áp xe vú và nhiễm trùng khỏi hoàn toàn. Với bên vú không bị áp xe vẫn cho trẻ bú bình thường. Trong một số trường hợp, bác sĩ phải chỉ định chích rạch chỗ vú bị áp xe hoặc mổ để hút dịch mủ ứ đọng.
Điều quan trọng là khi bị tắc tia sữa sau khi sinh con, nếu thấy tình hình không được cải thiện, các bà mẹ cần đến gặp các bác sĩ để điều trị ngay, tránh để lâu dẫn đến bị áp xe vú. Và khi đã bị áp xe vú, người dân phải đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
Nếu một áp xe vú không được phát hiện, điều trị tích cực, triệt để sẽ tạo thành khối viêm mãn, dễ tái phát và vùng này, các tuyến sữa bị tổn tương không còn chức năng tiết sữa nữa; thậm chí, nó có thể dẫn đến hoại tử. Các nhiễm trùng từ ổ áp xe vú cũng có thể lan sang các mạch máu đi toàn cơ thể dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí biến chứng đe doạ tính mạng, chẳng hạn như: Nhiễm trùng huyết, suy thận và có thể tử vong.
Bởi vậy, trước tiên, cần phải có ý thức phòng ngừa bệnh bằng cách: Duy trì tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay, tắm rửa cơ thể bằng xà phòng và nước. Với phụ nữ cho con bú luôn vệ sinh phần ngực sạch sẽ, nhất là phần đầu vú. Dùng khăn sạch, nhúng nước ấm để lau sạch đầu vú. Trước khi cho bé bú, các bà mẹ cần lau sạch đầu vú, vắt vài giọt sữa đầu bỏ đi rồi hãy cho bé bú. Nếu trẻ bú không hết sữa, cần nặn hết sữa ra để đảm bảo không có sữa đọng lại bên trong. Lau sạch đầu vú khi bé đã bú và vắt hết sữa thừa.
Một số bài thuốc đông y giúp điều trị và phòng tránh
Khi nhọt mọc ở vú sưng đau
Thuốc bôi trực tiếp vào đầu vú
Bài 1: đan sâm 80g, thược dược 80g, tán thành bột rồi ngâm dấm một đêm, dùng 200g mỡ lợn đổ thuốc vào nấu thành cao, lọc bỏ bã. Dùng cao thuốc này bôi vào vú ngày 2-3 lần.
Bài 2: chi ma (hạt vừng) sao đen, nghiền nhỏ trộn với dầu hoả thành bột nhão, bôi vào vú.
Bài 3: xạ can, huyền thảo bằng lượng tán thành bột hoà thêm một ít mật, bôi vào chỗ đau.
Bài 4: hoàng liên 10g, binh lang (hạt cau) 10g, hai thứ đem tán bột, trộn với lòng trắng trứng gà, bôi vào nơi vú sưng đau, ngày 2-3 lần, liên tục vài ngày.
Thuốc uống trong
Bài 1: hải kim sa (bòng bong) 20g, sắc khoảng 1 bát với 1 phần nước, 1 phần rượu lấy khoảng nửa bát đem uống.
Bài 2: thảo quyết minh 30-100g tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, sản phụ khoẻ hay yếu dùng lượng phù hợp, sắc uống, ngày 1 thang liên tục 3-5 thang.
Nếu nhọt vú đã vỡ mủ
Bài 1: ngân hoa 15g, bạch chỉ 12g, lệ chi hạch 15g, đương quy 15g, liên kiều 10g, quất hạch 15g, bồ công anh 15g, lộc giác sương 15g, tạo giác thích 30g, sắc uống nóng ngày 1 thang, chia nhiều lần.
Bài 2: bồ công anh 15g, ngân hoa 10g, xuyên sơn giáp 10g, ngưu bàng 10g, xích thược 5g, vương bất lưu hành 15g, liên kiều 10g, sài hồ 5g, sinh địa 10g, cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang liên tục 3-5 thang. Nếu người bệnh khí hư gia đảng sâm, hoàng kỳ mỗi thứ 10g. Đau nhiều gia nhũ hương 5g, một dược 5g. Nóng nhiều, khát nước thêm hoàng cầm 10g, thiên hoa phấn 10g, chi tử 10g.
Trường hợp mưng mủ lâu không khỏi
Bài thuốc: toàn qua lâu (vỏ và hạt quả) 30g, thiên hoa phấn, hoàng cầm, liên kiều, thanh bì, tạo giác thích, ngưu bàng tử, sài hồ, chi tử, trần bì mỗi thứ 9g, kim ngân hoa 30g, bồ công anh 25g, xích thược 10g, sinh cam thảo 5g. Sắc uống, ngày 1 thang, chia 3 lần.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét