Khi mới được chẩn đoán bệnh, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào những trạng thái cảm xúc như không tin, shock, sợ hãi, giận dữ, mệt mỏi, suy sụp, cô đơn và tuyệt vọng. Đây thực sự là thời điểm khó khăn với người bệnh, nhưng những tâm trạng như vậy là rất bình thường, vì họ cần có thời gian để làm quen và chấp nhận thực tế rằng mình bị mắc bệnh ung thư...
HÌnh ảnh minh họa. |
Lúc này, thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm động viên, tư vấn, giải thích rõ cho người bệnh về chẩn đoán, phương thức điều trị, theo dõi, tiên lượng nhằm giúp người bệnh hiểu rõ và có được cảm giác họ có thể kiểm soát được những gì đang diễn ra. Điều này sẽ giúp người bệnh có một thái độ tích cực, lạc quan trong quá trình điều trị. Một số khảo sát cho thấy ở những bệnh nhân được giải thích, tư vấn đầy đủ kỹ càng về bệnh tật và điều trị, tỉ lệ tuân thủ điều trị cao hơn và do vậy kết quả điều trị tốt hơn.
Trong một số ít trường hợp, khi người bệnh không vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này và có dấu hiệu trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực như không ăn uống, mất ngủ, buông xuôi, cảm giác tội lỗi, sống vô ích, hành hạ bản thân, thậm chí tự sát... Những người bệnh này cần phải được điều trị chống trầm cảm bằng thuốc và tâm lý liệu pháp bởi các chuyên gia. Về phía người thân cần giữ bình tĩnh, sáng suốt để động viên, hỗ trợ, quan tâm, chăm sóc người bệnh cả về thể chất và tinh thần, giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn, nặng nề này, tìm ra cách để giúp người bệnh tiếp tục cuộc sống như chú ý đến cảm xúc, tâm trạng của người bệnh, dành nhiều thời gian chia sẻ, nói chuyện, lôi cuốn người bệnh vào các hoạt động có thể làm họ thấy vui như đọc sách, thăm quan, chơi thể thao, âm nhạc, nấu ăn, gặp gỡ bạn bè...
Cần làm gì trong quá trình điều trị?
HÌnh ảnh minh họa |
Sau liệu trình điều trị, sức khỏe của bệnh nhân rất mệt mỏi. Đây là tác dụng phụ thường gặp của điều trị ung thư bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hoá trị và điều trị sinh học. Một số tình trạng khác như thiếu máu, đau hay thậm chí do cảm xúc cũng có thể gây mệt mỏi. Nhiều bệnh nhân ung thư có thể đi làm và tiếp tục cuộc sống thường ngày của họ trong khi họ vẫn đang được điều trị. Trong trường hợp cảm thấy mệt mỏi, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Chế độ ăn cung cấp nhiều năng lượng và protein hơn, uống nhiều nước và có thể chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính. Không nên dùng rượu, bia, cafe hay các chất kích thích khác. Cần thông tin trao đổi với bác sĩ điều trị để có những lời khuyên hữu ích, hợp lý cũng như loại trừ các nguyên nhân thực thể do bệnh tiến triển, đặc biệt trong trường hợp mệt mỏi rất nhiều, kể cả khi ngủ, nghỉ ngơi, không thực hiện được các hoạt động thông thường. Trường hợp mệt mỏi do stress hay trầm cảm, bệnh nhân cần phải được tham vấn bác sĩ tâm lý để kiểm soát, xử trí tình trạng này.
Dinh dưỡng – yếu tố không thể thiếu
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cũng là một điều rất quan trọng. Khi bị bệnh, nhiều người hướng đến ăn chay. Một số người lại cho rằng nếu ăn nhiều chất đạm thì bệnh sẽ phát triển nhanh hơn, do tế bào ung thư được “ăn” nhiều chất. Tuy nhiên, một chế độ ăn như thế nào cho bệnh nhân ung thư là tốt lại phải đảm bảo đủ yếu tố: vừa để nâng cao sức khỏe lại vừa có tác dụng ngăn bệnh phát triển.
Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Dinh dưỡng cũng là một liệu pháp điều trị trong kế hoạch điều trị chung. Tình trạng bệnh ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng và tình trạng dinh dưỡng kém ngược lại ảnh hưởng đến phương pháp, sự tuân thủ, đáp ứng điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân ung thư có nguy cơ rất cao bị giảm cân, suy kiệt vì ảnh hưởng về thể chất và tinh thần của cả tình trạng bệnh và quá trình điều trị gây ra. Sự phát triển của khối u làm tăng quá trình chuyển hóa và do vậy làm tăng nhu cầu năng lượng. Các triệu chứng của bệnh hay tác dụng phụ của điều trị như đau, nuốt khó, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi... làm giảm khẩu phần ăn, giảm hấp thu, ngoài ra ảnh hưởng về tâm lý như lo lắng, buồn rầu, trầm cảm, làm giảm cảm giác ngon miệng, không muốn ăn. Khoảng 40% bệnh nhân ung thư có suy dinh dưỡng protein năng lượng và một số nhóm nguy cơ cao hơn như bệnh nhân ung thư đầu cổ có đến 80% bệnh nhân có các mức độ suy dinh dưỡng khác nhau.
Mặc dù vậy, cũng không có chế độ dinh dưỡng chung cho tất cả người bệnh ung thư mà tuỳ thuộc vào đặc điểm bệnh, phương thức đang điều trị, tình trạng bệnh nhân, thể lực, chỉ số cân nặng để quyết định chế độ dinh dưỡng theo cá thể. Tuy nhiên có một số nguyên tắc chung là phải duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, chế biến ngon miệng, đảm bảo cho cơ thể đủ năng lượng chống đỡ lại bệnh tật và các tác dụng phụ do điều trị. Thông thường các bác sĩ sẽ khuyên một chế độ ăn nhiều trái cây, rau xanh, hạn chế chất béo và đường, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, có thể cần phải tăng cường năng lượng và hàm lượng các chất đạm, đường trong bữa ăn. Nếu ăn đường miệng vẫn chưa đủ khẩu phần, hoặc bệnh nhân suy kiệt nặng, cân nhắc bổ sung thêm ở dạng khác như qua ống thông dạ dày, dinh dưỡng tĩnh mạch.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét