Hạt chanh, một dư phẩm thường bị loại bỏ khi sử dụng quả chanh, lại là vị thuốc được dùng khá phổ biến theo kinh nghiệm dân gian.
Khi trẻ bị ho, lấy hạt chanh, hạt quất, lá thạch xương bồ - mỗi vị 10g, mật gà đen một cái. Tất cả dùng tươi, giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm cho chín rồi uống làm 2-3 lần trong ngày.
Hoặc hạt chanh 10g, lá hẹ 15g, hoa đu đủ đực 15g, nước 20ml. Các dược liệu đem nghiền nát, hòa với nước rồi thêm mật ong hoặc đường kính, uống làm 3 lần trong ngày, dùng vài ngày.
Để giải độc chữa rắn cắn, lấy hạt chanh tươi hoặc phơi khô 10-20g nhai nhỏ, nuốt nước, lấy bã đắp vào vết cắn (đây là kinh nghiệm của nhân dân ở một số vùng miền núi nước ta và ở một vài địa phương của Ấn Độ).
Về cơ chế tác dụng của hạt chanh đối với nọc rắn, theo kinh nghiệm dân gian, những vị thuốc có chất đắng thường có tác dụng giải độc tốt (chất đắng trong hạt chanh đã được xác định là lemonin hay pepolimonin).
Dùng riêng hoặc phối hợp hạt chanh 15g, mướp đắng 10 hạt, rễ thạch xương bồ 12g, củ gấu 20g, muối ăn vài hạt. Tất cả để tươi giã nhỏ, ngâm với 30ml nước sôi trong 10 phút, khuấy đều rồi chắt hoặc lọc. Người lớn uống làm hai lần cách nhau 20 phút; trẻ em dưới 15 tuổi uống 1/4 đến 1/3 liều người lớn.
Ngoài ra, hạt chanh vừa tách khỏi múi quả (10-20g) ngâm ngay vào một chén nước nóng trong vài giờ. Chất nước dính bao quanh hạt sẽ nở và tan ra thành một dung dịch đặc nhầy, thêm đường, uống một lần trong ngày, chữa táo bón
0 nhận xét :
Đăng nhận xét